Tuesday, March 08, 2011

Biến thành ông già chỉ trong một năm

Biến thành ông già chỉ trong một năm
tuanquang cập nhật ngày: 02/07/2009

20 tuổi, Albadez Gudalowskus người Nga là cha của một bé gái khỏe mạnh. Thế nhưng chưa đầy một năm sau, gương mặt của anh bị biến dạng, trông như ông già hơn 60 tuổi.

Đây là một trong những căn bệnh kỳ lạ nhất thế giới từ trước đến nay - hội chứng già cực nhanh, hay hội chứng Werner - khiến người ta già đi nhanh gấp 50 đến 100 lần so với bình thường. Albadez là bệnh nhân gần đây nhất được phát hiện.

Các bác sĩ đã thử phương pháp điều trị được dùng cho các bệnh nhân mắc chứng già trước tuổi (một dạng bệnh phổ biến hơn và thường xuất hiện ở trẻ em). Tuy nhiên, các phương pháp này hầu như không mang lại hiệu quả. Thậm chí, các bác sĩ còn gặp khó khăn trong việc xác định tuổi của người bệnh bằng cách kiểm tra sinh học thông thường. Và họ cũng không thể tìm ra nguyên nhân của bệnh.

Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học Nga đã đưa ra giả thuyết rằng: hiện tượng già đi nhanh chóng liên quan tới tổn thương của một vùng não chức năng có tên gọi hypothalamus (vùng não kiểm soát chức năng thân nhiệt, cảm giác đói, khát ở con người). Một giả thuyết khác thì cho rằng nguyên nhân là một số chức năng mới của tế bào thần kinh não xuất hiện đẩy nhanh quá trình già nua của các bộ phận trên cơ thể.

Nhìn chung, theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính của bệnh xuất phát từ hoạt động của não bộ. Não kiểm soát tất cả các hoạt động bình thường của cơ thể, cũng như sắp đặt những khả năng về thể chất hoặc trí tuệ đặc biệt. Vì thế, cũng không loại trừ việc khiến cho dung mạo con người bị biến đổi nhanh hay chậm, quá trình lão hóa diễn ra với tốc độ ra sao...

Hoạt động của bộ não có thể ví như hoạt động của một chiếc máy tính. Những chương trình cần thiết có thể chiếm một dung lượng bộ nhớ rất ít trong máy tính. Ở bộ não con người, trí nhớ chỉ chiếm 10% khu vực chức năng. Phần lớn còn lại của não kiểm soát các hoạt động khác phức tạp hơn và phần nhiều, chúng chưa được con người khai thác hết hoặc chưa thể biết đến. Chẳng hạn, não bộ kiểm soát những khả năng kỳ lạ của con người như: một số người có giác quan thứ 6, những người có khả năng điều khiển đồ vật bằng cách tập trung ý thức...

Đối với chứng bệnh già nhanh còn gọi là chứng bệnh Werner, triệu chứng rất dễ phát hiện. Người trẻ tuổi, khỏe mạnh bình thường sau một thời gian ngắn (một ngày), có thể biến thành một người già nua hoặc già hơn hàng chục tuổi so với bình thường.

Trong tự nhiên, hiện tượng này cũng được tìm thấy ở một số loài động vật, như cá hồi. Sau khi những con cá trưởng thành vượt qua hàng trăm kilômét thác nước để đẻ trứng, cơ thể rắn chắc, khỏe mạnh của chúng bắt đầu già đi nhanh đến mức khó có thể tưởng tượng và chết.

Các nhà khoa học đã nắm bắt được những nguyên lý cơ bản đầu tiên về hiện tượng lão hóa nhanh ở con người thông qua việc nghiên cứu những con cá hồi. Tuy nhiên, hiện tượng già nhanh ở con người còn rất nhiều vấn đề đa dạng và phức tạp. Với một số trẻ em từ 5 đến 8 tuổi, chứng bệnh này thậm chí khiến cho chúng bất ngờ rơi vào giai đoạn dậy thì. Thậm chí một số trường hợp có thể sinh con dù chưa có sự phát triển đủ về sinh lý và thể chất để có thể thực hiện chức năng sinh sản.

Bên cạnh giả thuyết về nguyên nhân của sự già nhanh là do bộ não, một số nhà khoa học cũng đề cập tới hiện tượng bị tổn thương gen di truyền. Theo đó, bệnh già nhanh là một bệnh bẩm sinh di truyền. Tỷ lệ mắc không cao, khoảng 1 trên 4 triệu người (theo thống kê của người Nhật).

Những người mắc bệnh già nhanh đầu tiên trên thế giới được phát hiện tại Nga. Trung tâm nghiên cứu về gene di truyền tại thủ đô Matxcơva, Nga đã phát hiện 2 bệnh nhân mắc chứng bệnh kỳ lạ này. Ngoài Albadez Gudalowskus, ca thứ hai là cô gái 23 tuổi có tên là Elena Melnikova. Cô là sinh viên Học viện Mari Polytechnic, mắc chứng bệnh già nhanh đến mức bộ mặt và hình dạng của cô trông giống như một người vào khoảng 40 - 50 tuổi.

Để hạn chế ảnh hưởng của bệnh đối với diện mạo của mình, Elena đã nhờ đến phẫu thuật thẩm mỹ. Sau thẩm mỹ, các bác sĩ điều trị cho cô cho biết, để ngăn chặn bệnh tiếp tục xảy ra, họ đã phải sử dụng thuốc có hoóc môn. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc khoa học chưa tìm ra được cách đối phó với chứng bệnh kỳ lạ này. Việc sử dụng thuốc chứa hoóc môn cũng có những tác hại nhất định, ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.

Trong tương lai, các nhà khoa học hy vọng rất nhiều vào phương pháp điều trị bằng tế bào gốc. Tuy chưa kiểm chứng được hiệu quả của nó, song những thí nghiệm đầu tiên với tế bào gốc đã đạt được những triển vọng bước đầu.

http://www.tretoday.net/news/news/6_Khoa_Hoc/344087_Bien_thanh_ong_gia_chi_trong_mot_nam/?