NGŨ PHƯỚC LÂM MÔN
Thích Thiện Phước Việt dịch
LỜI MỞ ĐẦU
Hoa nở rồi tàn, tóc xanh lại bạc. Đời người như một dòng nước cứ xuôi chiều trôi đi mãi mãi. Quả đúng như câu châm ngôn : “ Thanh xuân bất tái lai ” (Tuổi xuân không đến hai lần).
Năm tháng chất chồng, mạng người dần ngắn lại. Đôi lúc mình cảm thấy cuộc đời an vui tràn đầy ước vọng, nhẹ nhàng như chiếc lông hồng bay bổng; lại cũng có lúc chán chường lắm nỗi đau thương bất hạnh, nặng trĩu bởi những chuyện thế nhân.
Cuộc sống, dường như ai cũng muốn cho mình được giàu sang may mắn và không ai muốn mình lâm vào cảnh bất hạnh khó khăn. Thế nhưng, đâu phải người nào cũng được hoàn thiện như ý nguyện! Tuy nhiên, chúng ta không được quyền thất vọng về một tương lai tốt đẹp. Còn chuyện thành công hay không là tùy thuộc vào sự kiên trì và nỗ lực để vượt lên trên số phận của chính mình.
Đành rằng “ khổ vui là kiếp con người ”, nhưng lắm lúc ta phải cảm ơn, cảm ơn thật nhiều về cuộc đời đầy dẫy khó khăn và số phận bất hạnh trớ trêu này để “ mỗi lần vấp ngã là mỗi lần đứng dậy ”. Chính vì thế mà mình trở nên cứng rắn và có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời. Được vậy, ta mới bền gan mà “ ngẩng đầu đi giữa sa mạc mênh mông, vững chân bước trên con đường đầy sỏi đá ”.
Người xưa nói : “ Ý nguyện thì ai cũng như ai, nhưng thành tựu hay không là do nhân duyên phước đức ”. Cho nên, ông bà ta cũng từng bảo: “ Ai có phần nấy ” hay “ Mỗi người mỗi cảnh ” là vậy ! Ôi, tham vọng của con người thì bao la quá, nhưng mạng sống thì tạm bợ như đám mây trôi lênh đênh giữa bầu trời không nơi nương tựa, mau chóng như bọt nước cuộn trào giữa trùng dương vô tận mênh mông ! Sanh diệt, diệt sanh; thành hoại, hợp tan há chẳng phải là định luật muôn thuở của vũ trụ nhân sinh ?
“ Trăm năm trong cõi người ta ”, nhưng đã mấy ai sống trọn kiếp số trăm năm ? Khi chúng ta chứng kiến cảnh thoi thóp giãy giụa, chân tay co quắp, miệng không ngớt rên rỉ khóc than … của người sắp chết thì chắc hẳn ai ai cũng thầm nguyện rằng : “ Cuộc đời này, con thật không mong mỏi gì khác, chỉ mong sao khi con lâm chung được an tường mà qua đời là tốt rồi !”. Ai cao sang, ai quyền thế, có còn chăng? Hay “ Khi tôi sanh ra, hai bàn tay trắng; lúc tôi trở về, phủi trắng đôi tay ” và những gì tồn tại đằng sau cái chết … ?
Lại nữa, tại sao trên đời này có kẻ giàu người nghèo ? Người sanh vào nhà tôn quý lại bị chết yểu, kẻ sống lâu mà chẳng được thiện chung ! Tại sao tôi làm lành mà lại gặp toàn chuyện xấu, còn kẻ tạo ác thì luôn được vận may ? Chúng ta đừng vội oán trời trách người mà mình phải bình tĩnh nở nụ cười và dang tay đón nhận tất cả những thứ ấy như mong nhận được món quà mà mình đã từng yêu thích. Sở dĩ có sự khác biệt như thế là do đâu ? Định nghiệp hay một bàn tay vô hình nào ban phước giáng họa … ? Đó là những gì sắp được trình bày trong bổn thư này.
Với sức học còn non kém, lời văn quê mùa nông cạn. Vì thế, nói đến việc lột tả hết ngữ nghĩa của nguyên bổn và trau chuốt văn từ cho hoa mỹ chắc hẳn là điều không thể tìm thấy ở đây. Hơn nữa, trong quá trình chuyển ngữ lại có nhiều khuyết điểm. Cúi mong bạn đọc mở “ bà tâm ” mà phủ chính cho. Nguyện hồi hướng công đức cho khắp tất cả chúng sanh mau phát tâm lành, chóng lên bờ giác.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Trân trọng.
CHƯƠNG I
Ý NGHĨA CỦA “ NGŨ PHƯỚC ” :
Danh từ “ ngũ phước” vốn có xuất xứ từ trong “ Thiên Hồng Phạm” của kinh Thư, nhưng bây giờ từ ngữ này đã được mọi gia đình đều biết đến. Hay nói khác hơn là câu thành ngữ “ ngũ phước lâm môn ” dường như ai ai cũng đều nghe biết đến, nhưng rất ít người hiểu “ ngũ phước ” ở đây là chỉ năm loại phước gì. Đến như người biết rõ về nguyên lý của từ “ ngũ phước lâm môn ” thì lại càng hiếm hoi hơn.
Nói cho cùng thì năm phước ấy là :
Phước thứ nhất là trường thọ
Phước thứ hai là phú quý
Phước thứ ba là khương ninh
Phước thứ tư là hảo đức
Phước thứ năm là thiện chung
Trong kinh Thư chép năm phước ấy là :
Thọ
Phú
Khương ninh
Du hảo đức
Khảo chung mạng
Trường thọ là số mạng không chết yểu, lại có được phước thọ lâu dài.
Phú quý là tiền bạc và của cải sung túc, lại có được địa vị tôn quý.
Khương ninh là thân thể không những khỏe mạnh mà tâm linh còn được an ổn.
Hảo đức là thường làm việc lành, lại còn rộng chứa âm đức.
Thiện chung là hay dự biết được thời gian mình qua đời, đến lúc mạng chung không gặp những tai họa ngang trái, thân thể không đau bệnh, trong lòng không còn vướng mắc và sầu lo về nhân thế, an lành và tự tại lìa bỏ cõi nhân gian.
NÀO CÓ PHƯỚC MƯỜI PHÂN VẸN MƯỜI!
Cuộc sống con người do năm thứ phước này tụ họp lại mà được an vui hạnh phúc. Nếu thiếu một thì không thể đạt được lẽ mầu ấy. Ví như có người tuy sống lâu mà không có phước đức; có người tuy sống lâu trăm tuổi mà lại nghèo nàn, hèn hạ và lăn lóc sống cho qua ngày qua tháng; có người tuy giàu có, của cải dẫy đầy nhưng số mạng ngắn ngủi; có người giàu sang nhưng sức khỏe yếu kém, luôn bệnh hoạn ốm đau; có người nghèo nàn, hèn hạ, lại còn phải bị phiền não bức ngặt tâm linh; có người tuy giàu có về vật chất nhưng trong lòng luôn bận bịu lo nghĩ; có người tuy đầy đủ phương tiện sinh hoạt nhưng lại thích sống cảnh thanh bần nhàn nhã; có người bần tiện mà lại thiện chung; có người tuy giàu có, sống lâu nhưng đến lúc mạng chung thì gặp những họa ương ngang trái, khi chết không được tốt lành. Những cảnh ngộ về cuộc sống con người thật nhiều vô số kể, đơn cử là do sự biến hóa của năm phước mà nói, chỉ có năm phước đều đến cửa thì cuộc sống nhân sinh mới được vẹn toàn đầy đủ.
Ngoài ra, còn những trường hợp khác đều thuộc về cảnh “ mỹ trung bất túc” (trong cái tốt đẹp vẫn còn có những điều kém khuyết).
Trong năm thứ phước nêu trên, phần trọng yếu nhất vẫn là phước thứ tư tức “ hảo đức”. Nhân vì đức là nguyên nhân và nguồn cội của phước, phước là kết quả và biểu hiện của đức. Nếu chỉ lo cầu phước mà không lo tu sửa đức hạnh thì há chẳng phải là bỏ gốc mà đi tìm ngọn ư ?
GẶP CẢNH THẬT ĐÁNG THƯƠNG :
Tạp chí “ Tân sanh báo”, số ra ngày 3 tháng 6 năm Dân quốc thứ 71 có đăng một câu chuyện có thật, xảy ra trong một gia cảnh vô cùng bi thảm. Câu chuyện này phát sinh ở làng Thụy Huệ, huyện Hoa Liên :
“ Tạ Liên Thanh năm nay 41 tuổi, hiện ngụ tại số 17 hẻm 12 đường Quốc Quang Bắc, làng Thụy Huệ, huyện Hoa Liên.
Bình sinh Tạ Liên Thanh vốn là một công nhân viên chức. Hoàn cảnh gia đình vô cùng nghèo túng. Bà Từ Tú Anh là vợ của ông, năm nay 36 tuổi. Hai vợ chồng sinh được tám người con. Đứa lớn nhất tên Tạ Vinh Hưng 17 tuổi, nhân vì trên đường đi đến Đài Bắc để học nghề, nhưng không may bị xe đụng chết vào lúc rạng sáng ngày 13 tháng 2 năm nay (tức năm Dân quốc thứ 71). Lại càng cảm động hơn là tất cả những người con trong nhà họ Tạ, trừ người anh cả là Tạ Vinh Hưng là người có tâm thần bình thường, còn bảy đứa con khác đều bị chứng ngu đần. Đứa kế là Tạ Huệ Châu 15 tuổi, đứa thứ ba là Tạ Khôn Thăng 13 tuổi, đứa thứ tư là Tạ Khôn Thành 12 tuổi, đứa thứ năm là Tạ Khôn Phương 8 tuổi, đứa thứ sáu là Tạ Khôn Long 6 tuổi, đứa thứ bảy là Tạ Minh Chí 4 tuổi và đứa thứ tám là Tạ Thoại Lan. Người con lớn của nhà họ Tạ chết đi bỏ lại những đứa em ngu đần, thật đáng thương tâm !
Đã vậy, mẹ của Tạ lại là người bệnh tật liên miên, nằm liệt ở trên giường. Thế là cả nhà lớn nhỏ chỉ biết nương vào sức lao động của Tạ Liên Thanh để duy trì cuộc sống. Đứa con trai lớn là người mà ông gửi gắm nhiều hy vọng nhưng lại bị xe đụng chết. Bảy đứa còn lại đều ngu đần, bà vợ thì nằm liệt giường. Thật đáng thương thay!
VÌ SAO CÓ HIỆN TƯỢNG KÉM VÀ HẾT PHƯỚC ?
Hoàn cảnh và cuộc sống của chúng ta ở đời này sở dĩ gặp nhiều điều không tốt là bởi do những ác nghiệp mà mình đã gây nên từ kiếp quá khứ mà chiêu cảm đến kết quả xấu xa như thế ! Ví như người ở đời quá khứ hoặc nhiều kiếp trước ngược đãi động vật thì đời này sẽ bị nhiều bệnh tật. Người đời quá khứ giết hại loài vật thì đời nay bị quả khổ, mạng sống ngắn ngủi. Người đời quá khứ hoặc kiếp trước trộm cắp, keo kiệt thì đời nay sẽ bị nghèo nàn và khốn khổ. Người đời quá khứ hoặc kiếp trước ngạo mạn thì đời nay làm kẻ đê tiện. Người đời quá khứ hoặc kiếp trước gây nhiều sự kinh động, ưa nóng giận và hờn mát thì đời nay có thân hình xấu xí. Người đời quá khứ hoặc kiếp trước dùng những phương cách để giết hại người hoặc loài vật thì đời nay chiêu cảm lấy ác báo, khi chết không được yên ổn. Người được trường thọ lại nghèo nàn, hèn hạ là do họ ở đời quá khứ có lòng thương yêu động vật, nhưng keo kiệt không chịu bố thí. Người giàu có mà lại chết yểu là vì họ ở đời quá khứ ưa thí xả những tài vật, nhưng hay giết hại loài vật. Người có diện mạo xấu xa mà lại giàu có là vì họ ở đời quá khứ rộng rãi bố thí, nhưng hay nổi sân. Người có dung mạo đoan trang, lại ở địa vị thấp hèn là vì ở đời trước của họ có lòng nhẫn nhục, gìn giữ giới luật nhưng lại xem thường người khác mà dẫn đến kết quả như vậy!
Nói tóm lại, năm phước sở dĩ có kém khuyết là do người ở đời quá khứ hoặc hiện tại làm việc thiện và gom chứa đức hạnh không đồng nhau mà thôi !
SỰ TƯƠNG QUAN KỲ DIỆU CỦA NĂM THỨ PHƯỚC :
Trường thọ, phú quý, khương ninh, hảo đức và thiện chung, cả năm phước này đều có mối liên hệ rất mầu nhiệm :
Trường thọ, phú quý, khương ninh và thiện chung, bốn phước này là kết quả, còn loại phước thứ ba tức hảo đức là nguyên nhân của chúng. Đời nay sở dĩ được trường thọ, phú quý và khương ninh, đó chính là kết quả của đời quá khứ đã rộng chứa những âm đức. Còn thiện chung chủ yếu là do kết quả của đời nay đã vun trồng những đức tốt. Hay nói cách khác, trường thọ, phú quý và khương ninh là quả báo ở đời hiện tại, còn thiện chung là quả báo ở đời vị lai vậy !
Trong năm phước này, thiện chung rất khó được. Nhân vì chỉ có đời nay rộng chứa âm đức thì mới được thiện chung, còn trường thọ và phú quý thì không hẳn phải như vậy ! Có một số người đời nay tuy giàu có và sống lâu, nhưng họ đều không có hảo đức. Đây là do đời quá khứ, họ có tu đức mà được quả báo như thế. Còn hạng người đời nay tuy giàu có mà không lo tu hảo đức thì chẳng những hiện đời thân tâm họ không được mạnh khỏe, an ninh mà nhất định trong tương lai cũng rất khó an lành mà xuôi tay nhắm mắt vậy !
( còn tiếp )
Thích Thiện Phước - dịch
Kinh Sách và Các Bài Viết Mới Post Lên Mạng Trong Tháng 04-2003
Down Load " Word Document" (WinZip File 338 KB)
Các Số Đặc Biệt:
Số Đặc Biệt Mừng Phật Đản
Số Đặc Biệt Tưởng Niệm Bồ Tát Quảng Đức
Số Đặc Biệt Vu Lan
Số Đặc Biệt Mừng Thích Ca Thành Đạo
Số Đặc Biệt Mừng Xuân
http://www.thuvienhoasen.org/lienhoa305-09.htm