Tuesday, December 21, 2010

Kiết-Tường-Tọa: lưng bàn chơn trái đặt lên vế mặt,

Pháp Môn Tọa Thiền

Chương 4

Cách Thức Tọa Thiền

(Chia ra làm 9 phần)



1) CHUẨN BỊ: Trước khi tọa thiền, hành-giả cần phải sắp đặt chuẩn bị trước vài mươi phút. Tất cả các công việc thường lệ như: Tụng kinh, đọc sách, báo, viết bài, tiếp khách, làm việc..v.v.. nói chung là phải ngừng nghỉ tất cả các hoạt động gì về tinh thần, cũng như thể xác, để tâm trí nhẹ nhàng mới dễ bề tập trung tư-tưởng gom thần mà nhập tĩnh.

2) CHỌN CẢNH: Khi tọa thiền nên chọn cảnh thanh vắng và yên tịnh, như chỗ nào xao động ồn ào, thì xây mặt vào vách tường, chỗ vắng vẻ, và nên tìm chỗ trống trải mát mẻ thanh thoảng mà ngồi, như chỗ nào có bồ mắt, mòng, ruồi, muỗi... thì ngồi trong mùng treo cao khỏi đầu cũng được. Chừng sau nầy thuần-thục rồi thì tùy phương tiện vô ngại.

3) BẮT ĐẦU: Khi bắt đầu vào tịnh tọa, hành-giả phải chấm dứt tất cả các việc nói làm lo nghĩ... gội rửa hết tất cả tâm trần (như súc cái bình cho sạch để đựng chứa các pháp lành) như lau gương sạch bụi, như tắm rửa sạch trơn... Nói một cách khác hay kiềm giữ thân tâm cho yên lặng tợ như chai nước để lắng trong tự nhiên huệ lòng tỏ sáng, ấy là pháp nhập vào tĩnh tọa.

4) CÁCH NGỒI TỊNH - TỌA: Ngồi "Kiết già" "Toàn già" hay "Song tọa" cũng gọi là kim-cang tọa, ngồi theo thể thức nầy vững chắc, vì hai đầu gối và bàn tọa đụng sát đất. Ví như 3 cái chân giữ vững cái đỉnh là thân trên, không thể ngã qua lại tới lui chi được. Lưng bàn chân mặt đặt trên vế trái, lưng bàn chân trái đặt trên vế mặt "Có thể tập ngồi cả hai chơn, thì chơn nào để dưới cũng được, đặng mình thay đổi mỗi ngày đêm có nhiều lần ngồi tu không tê mỏi"... Lúc bấy giờ hai đùi ta giao lại thành hình tam giác, hai bắp đùi bề dưới cho thẳng nằm sát giường. Toàn thân căng thẳng tựa hồ như cây cung giương, không cho còm lưng, ngửa ngực, hoặc đầu cổ ngả nghiêng nghẻo qua lại, phải tập ngồi tự nhiên trơ lặng như pho tượng đồng của Đức Phật.

"Khi ngồi lâu tê mỏi lay chuyển sái với cách thức chỉ trên, liền sửa lại cho đúng phép tọa thiền".

5) CÁCH NGỒI BÁN GIÀ: Ngồi một chơn dưới, một chơn trên, có hai cách như sau:

a) Kiết-Tường-Tọa: cũng gọi là "Đơn-Tọa" là cách ngồi của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, lưng bàn chơn trái đặt lên vế mặt, và hai đầu gối cùng bàn tọa cho sát mặt giường.

b) Hành-ma-tọa: cũng gọi là "Đơn-Tọa", là cách ngồi của Ngài Văn-Thù Bồ-Tát, lưng bàn chơn mặt đặt trên vế trái, và hai đầu gối cùng bàn tọa cho sát mặt đường.

6) GIẢI SỞ CHƯỚNG: Khi vào ngồi tịnh-tọa, hành-giả cần nên giải mở các sở chướng, nó hay làm trở ngại trong tịnh-tọa tham-thiền...

Ví như: ngứa ngáy, nhức, tê, mỏi, mệt, buồn ngủ, nhảy mũi, nức cục, ngứa tai... thì hành-giả hãy lãng quên, đừng niệm tưởng đến, và quyết hẳn bỏ luôn. Không lưu ý đến, và quyết hẳn bỏ luôn. Không lưu ý đến, an tâm vào đề mục thoại đầu nào mình đã định... Trong khi tịnh-tọa mà còn biết phân biệt các cảnh, và xúc động theo duyên cảnh là chưa định. Muốn ngừa ngăn các chướng ấy, trước khi tịnh tọa hành-giả phải vận chuyển điều hòa cơ thể (xem trang số 66) "Nếu sợ con gì bò vào tai, thì lấy bông gòn nhét vào vừa kín, đừng nhét cứng quá lùng-bùng lỗ tai ngồi không an tâm". Nếu có chi chướng ngại ràng rịt trong mình, thì nới ra thong thả, không gò bó, chỗ ngồi êm ái, gió thông mát mẻ, thanh tịnh an nhàn, ấy là pháp giải các sở chướng khi tịnh-tọa.

7) TRONG KHI NHẬP ĐỊNH: Cần phải ngồi kiết-già, bởi cách ngồi gác tréo (xỏ rế) như cái đỉnh có 3 chơn rất êm và vững chắc, say nầy tiến lên pháp thiền đến bậc cao (thân trên sẽ nhẹ nhàng dường như không có hay thoát xác phi thăng) thì thân dưới nhờ có hai đầu gối và cái bàn tọa kiềm vững vàng không thể nào nghiêng ngã được. (Vậy hành giả muốn tu thiền cần phải tập ngồi kiết già cho quen, sau nhập định mới được).

Ngồi lưng và xương sống cho ngay thẳng, đầu chỉ gục (hơi hơi một tí) mắt vừa nhắm ngó ngay sống mũi và thẳng vào rún. Hai bàn tay kiết ấn tam-muội (xỏ rế long mốt cả mười ngón khít khao lại) hai ngón cái vừa đụng nhau; ngón cái, ngón chỉ, ngón ấp tay mặt nằm trên. Ngón cái, ngón giữa, ngón út, tay trái nằm trên (còn các ngón kia nằm phía dưới).

Hoặc tay mặt để nằm trong lòng bàn tay trái, để chính giữa hai bàn chơn sát vô đơn điền và đụng phía dưới, hai cánh tay cùi chỏ cập vô vừasát theo hai bên hông.

Khi ngồi dong, lắc nhốm nhẹ nhẹ thân trên, ngã mình về trước, về sau, và hai bên xem có chi dính vướng chi chăng ? Kế nhắm hai mắt lại không cho thấy cảnh bên ngoài, môi miệng ngậm lại hai hàm răng vừa khít nhau, cái lưỡi đưa lên cập sát theo nứu chơn răng hàm trên vẫn để tự nhiên. (Không nên uốn lưỡi co lên trên đốc giọng mà buộc tâm vào đấy làm mất thể tánh tự-nhiên).

Lưu ý: Hành-giả ngồi xuống vừa bắt chơn kiết-già liền mật niệm như vầy: "Kiết-già Phu-tọa, Đương-nguyện chúng-sanh, thiện-căn kiên cố, bất đắc động địa, Án-ha rị chiếc ra tá ha".

Khi tịnh-tạo xong, niệm tiếp câu:

Chánh tâm đoan-tọa, đương nguyện chúng-sanh, Tọa Bồ-đề tòa, tâm vô sở trước, Án phạ tác ra ấp đa da tá ha.

Tiếp niệm thêm: Nam Mô Định-tâm Vương Bồ-Tát.

Rồi từ đó bắt đầu tĩnh tọa luôn. (3 lần).

8) LỤC - CĂN THANH - TỊNH: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là sáu căn. Duyên nhiễm theo sáu trần là: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp... biến sinh ra sáu thức là: thấy, nghe, ngửi, nếm, rờ, tưởng. Vì vậy mà con người phải đảo điên loạn tưởng. Nay ta tu pháp Tịnh-tọa cần phải đóng chặt lục-căn để trau dồi huệ mạng. Thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thâu nhiếp lại như vầy:

a) MẮT: Trong khi tịnh-tọa mắt chớ nên xem ngó bên ngoài, thường hay ngó xuống, và nhắm lại, để dưỡng thần định tâm xa lìa vọng cảnh, cũng chẳng nên nhắm lại nhíu mày quá, thường hay choáng váng khó chịu. Nếu ban đêm buồn ngủ hay gục (hôn trầm) có thể mở mắt ra vừa hi hí, tròng mắt đừng nháy liếc làm diêu động.

Nếu ban ngày thì lấy "món" làm đề-mục; để trụ tâm như: chấm một đốm đen vào trong giấy trắng, hoặc tường, vách... độ bề cao ngang chót mũi, cách xa lối bảy tấc hoặc một cục đá sạn đen để dưới đất cách xa 5 tấc mắt định thần chăm chú ngó vào đề mục ấy, không nháy liếc, chừng đôi ba mươi phút hoặc một hai giờ... khi nào mỏi mắt vừa nhắm lại đem tưởng vào trong, trụ tại đơn-điền hay khí hải... giữ mãi điều tức mà thở.

b) TAI: Tai không còn để ý nghe ngóng bên ngoài, những tiếng âm thinh kỵ nhạc cùng khua chạm giữa các pháp tương đối... Mà cần phải lắng nghe Phật-Pháp đạo-đức, nghe hơi gió, nghe tận hư không, nghe trong trí não, nghe tiếng niệm Phật từ hơi thở ra vào của nội tâm điều hòa khí tức.

c - MŨI: Mũi thở cho điều tức (ấy là số tức) phải đếm theo hơi thở ra vào từ một đến mười, rồi đếm trở lại, cứ liên tiếp như vậy mãi. Cốt là tập luyện cho hơi thở điều hòa, không nên thở thô động (nghe có tiếng) hoặc khi dài, khi ngắn, khi mạnh, khi nhẹ... mà tập thở sao chẩm rãi, êm nhẹ, điều hòa dường như sợi chỉ, lần lần đi đến "Nội tức" thở bên trong hay "Phi tức" thở bằng các lỗ chơn lông thay thế cho mũi và miệng cũng vẫn thở được (Mật...)

d - LƯỠI: Lưỡi là suối thủy-triều (suối cam-lồ) nơi phát sinh trí huệ và tươi nhuận con người...

Nên chi trong lúc tọa thiền, chót lưỡi đưa lên trên cập sát trên nướu hàm răng, khi nào có nước tân dịch (cam lồ) rịn đượm chảy ra nhiều, thì vẫn nuốt tự nhiên, (ngọt và thơm ...)

Khi nuốt êm nhẹ không nên làm ra có tiếng thô động, lại cũng không nên cố ý tưởng có nước ra nhiều đặng nuốt.

e - THÂN: Pháp tu tịnh-tọa, hành-giả cần nên phải quên cả thân xác, đừng tưởng nhớ đến thân mình, thân người, thế nầy, thế khác, mà phải vọng cảnh, loạn tâm... trong giờ tịnh-tọa, hành-giả hãy tưởng tượng rằng như mình đã ngũ nghỉ chết mất, chẳng còn biết đến.

Trong khi tịnh-tọa gặp mưa, sương, gió, nắng, nóng, lạnh, muỗi, mòng..v.v.. cũng thản nhiên, không chút gì hề hấn, cố giữ tâm thanh tịnh, và thân trơ lặng như cốt đồng.

f - Ý: ý thường hay loạn tưởng đảo điên bởi vọng thức, cho nên kiềm chế pháp tướng bên ngoài thì rất dễ. Bằng trái lại, nhiếp phục nội tâm; diệt trừ vọng thức là cả một vấn đề công phu tu tập...

9) PHÁP TRỤ - TÂM: (Có 6)

1. TRÌ CHÚ: Trì tụng Ngũ-Bộ-Chú-Lăng-Nghiêm, Đại-bi, Thập-chú, Chuẩn-đề..v.v.. để trụ tâm.

2. NIỆM PHẬT: Niệm danh hiệu các vị Phật... để trụ tâm.

3. TỤNG KINH: Tụng kinh kệ thầm trong lòng để trụ tâm.

4. QUÁN TƯỞNG: Quán số-tức, quán bất-tịnh, quán từ-bi, quán nhơn-duyên, quán vô-thường..v.v.. để trụ tâm.

5. GOM THẦN: Gom các thần lực để hườn hư mà trụ tâm.

6. TRỤ TÂM: Tập trung tư-tưởng an trụ vào 10 điểm:

a) An tâm tại Minh-đường.

b) An tâm tại sống mũi.

c) An tâm tại huyền-ưng (cổ).

d) An tâm tại Huỳnh-đình (chớn thủy).

e) An tâm tại tề-trung (rún).

f) An tâm tại đơn-điền (dưới rún 5 phân).

g) An tâm tại khí-hải (dưới rún 1 tấc).

h) An tâm tại dĩ-hư (ngang khí-hải...).

i) An tâm tại giáp-tắc-cung (giữa sống).

j) An tâm tại yến-nguyện (cổ cúp)./.

http://www.thienvienminhduc.com/Khatsi/Phap%20Mon%20Toa%20Thien/Chuong4_I_CachThucToaThien.htm