Sunday, August 15, 2010

Vấn Đề Thuế Vụ của Tu Sĩ tại Hoa Kỳ

MA^.T MA~ SHARE FACEBOOK





Vấn Đề Thuế Vụ của Tu Sĩ tại Hoa Kỳ
Tom Huỳnh, J.D, Aug 12, 2010

Cali Today News - Tại Hoa Kỳ, tự do tôn giáo là một quyền quan trọng của người dân được quy định và bảo vệ bởi hiến pháp. Từ căn bản đó, quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật đặc biệt về thuế vụ áp dụng cho các tổ chức tôn giáo như nhà thờ, đền chùa, tu viện, v.v.... Thông thường thì các tổ chức tôn giáo được hưởng quy chế miễn thuế (tax exempt) cùng với những ưu đãi khác về mặt thuế vụ của liên bang và tiểu bang. Nói chung, cơ sở tôn giáo tại Hoa Kỳ không cần khai báo và đóng thuế lợi tức của những khoản thu nhập từ các sinh hoạt thuần túy tôn giáo, được miễn các sắc thuế liên quan đến tài sản, và mọi thứ tặng dữ cho các tổ chức tôn giáo đều được người cho dùng để trừ thuế lợi tức cá nhân theo luật định. Riêng các nhà thờ hoặc đền chùa, nếu hội đủ những tiêu chuẩn và điều kiện quy định bởi điều khoản 501(c)(3) của luật thuế vụ liên bang, sẽ tự động được hưởng quy chế miễn thuế mà không cần phải có sự công nhận chính thức của sở thuế liên bang IRS.



Mặc dầu các cơ sở tôn giáo được hưởng quy chế miễn thuế, ưu đãi đặc biệt này không áp dụng cho những tu sĩ thuộc các tôn giáo. Tuy nhiên, luật thuế vụ liên bang cũng có dành một số quyền lợi đặc biệt liên quan đến thuế lợi tức và an sinh xã hội cho các tu sĩ nếu hội đủ điều kiện để được xem là “tu sĩ nhằm các mục đích thuế vụ” (minister for tax purposes). Một quyền lợi khá đặc biệt về thuế vụ dành cho tu sĩ là được trừ phần phụ cấp gia cư (parsonage/housing allowance) khi tính thuế lợi tức.

Luật thuế vụ Hoa Kỳ dùng danh từ “minister” (tạm dịch là “tu sĩ”) để gọi chung tất cả tu sĩ thuộc mọi tôn giáo, từ các linh mục, mục sư, cho đến các sư sãi, tăng ni, v.v…



Cũng theo luật thuế vụ, không phải mọi người làm tu sĩ đều được kể là “tu sĩ nhằm các mục đích thuế vụ” để được hưởng quyền lợi đặc biệt về thuế vụ dành cho tu sĩ. Vì vậy, để có thể chấp hành luật thuế vụ, người tu sĩ cần phải biết rõ mình có hội đủ các điều kiện và yếu tố để được xem là “tu sĩ nhằm các mục đích thuế vụ” hay không? Theo sở thuế IRS, “tu sĩ nhằm các mục đích thuế vụ” là người đã được chính thức thụ phong hay bổ nhiệm, được phép cử hành hoặc hướng dẫn các nghi thức tôn giáo, được giáo hội hay tổ chức tôn giáo xem là người có trách nhiệm lãnh đạo tinh thần các tín hữu.



Thông thường, người tu sĩ tại Hoa Kỳ được xem là như là nhân viên (employee) của một cơ sở tôn giáo như nhà thờ hoặc đền chùa, v.v… Và tu sĩ cũng có thể là người làm việc theo hợp đồng (independent contractor) cho các cơ sở tôn giáo. Theo luật thuế vụ, mặc dầu tu sĩ được xem là “employee,” các khoản lợi tức mà tu sĩ nhận được trong lúc hành đạo sẽ phải trả thuế an sinh xã hội theo luật thuế tự doanh SECA (Self-Employment Contributions Act) như một “independent contractor,” chứ không theo luật thuế an sinh xã hội và y tế FICA (Federal Insurance Contributions Act). Trong một vài trường hợp đặc biệt, tu sĩ có thể yêu cầu được miễn đóng thuế tự doanh nếu dựa vào lý do tôn giáo để từ chối nhận các phúc lợi công cộng (như tiền trợ cấp y tế, trợ cấp hưu bổng, v.v…).



Nói cách tổng quát, tiền lương hay trợ cấp mà tu sĩ lãnh từ cơ sở tôn giáo và các khoản tiền hay quà tặng nhận được từ tín hữu trong lúc hành đạo, tất cả đều được xem là lợi tức và phải chịu các khoản thuế dựa theo những luật lệ thuế vụ dành cho tu sĩ rất đặc biệt và cũng rất phức tạp. Vì vậy, người tu sĩ nếu không cẩn trọng và thiếu sự hiểu biết về các luật lệ đặc biệt này, rất dễ gặp phiền phức khi bị kiểm toán bởi sở thuế IRS.



Trong vài năm gần đây, sở thuế liên bang IRS đã có sự lưu ý đặc biệt về vấn đề thuế vụ của tu sĩ. Và nhiều tu sĩ tại Hoa Kỳ đã bị truy tố và lãnh án tù vì tội gian lận thuế lợi tức, trong đó hầu hết là do đã không khai báo đầy đủ các khoản tiền mặt của tín hữu dâng cúng, mà theo sở thuế IRS thì các món tiền đó dầu là dưới hình thức quà tặng, cũng được kể là “lợi tức” của người tu sĩ và phải chịu thuế.



Tóm lại, luật thuế vụ Hoa Kỳ xem tu sĩ như là một nghề chuyên môn trong xã hội. Vì vậy, tu sĩ cũng bị chi phối bởi các luật lệ thuế vụ của liên bang và tiểu bang nơi cư ngụ, nghĩa là phải khai báo và đóng đầy đủ các loại thuế nếu có tiền thu nhập từ các sinh hoạt tôn giáo hay bất cứ công việc nào khác, kể cả những quà tặng hay tiền mặt do tín hữu dâng cúng.



Tom Huỳnh, J.D., A.D.R.P.
Associate Member, American Bar Association

http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=35453c8924190062847c2a79e3d0ba7b