Sunday, October 08, 2006

Lợi ích và cách sử dụng chương trình Skype

Lợi ích và cách sử dụng chương trình Skype

2006.10.07

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trong buổi phát thanh trước, chúng tôi đã gửi đến quý vị bài tường trình về những lợi ích thiết thực của công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ thuật điện thoại internet (tức voice chat) đối với hoạt động đấu tranh dân chủ trong nước. Một số các chương trình voice chat tiện dụng hiện nay gồm Yahoo Messenger, Paltalk, và mới đây nhất là Skype. Trong số này, Skype có vẻ còn khá mới mẻ.

Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu thêm về cách sử dụng cùng những tính năng cơ bản của nhịp cầu thông tin liên lạc hiện đại này qua cuộc trao đổi với kỹ sư Bạch Ngọc Dương, một nhà dân chủ trẻ ở Hà Nội và cũng là gương mặt quen thuộc của khối 8406.

Trước tiên, anh Dương giới thiệu sơ lược về cách thức cài đặt chương trình Skype vào máy tính:

Kỹ sư Bạch Ngọc Dương: Chương trình Skype đăng ký sử dụng rất đơn giản như thư điện tử email vậy. Mình có thể vào trang Yahoo, gõ chữ Skype và bấm nút tìm kiếm ‘Search’. Nó sẽ hiện ra trang web của Skype.

Từ đó, mình bấm nút tải phần mềm này về máy. Sau khi đã tải xong chương trình, ấn vào nút ‘Set up’, thì nó sẽ cài chương trình Skype vào máy. Khi đã có chương trình Skype trong máy rồi, mình thực hiện bước đăng ký như đăng ký một tài khoản email điện tử vậy.

Trà Mi: Sau khi đã cài đặt xong chương trình Skype vào máy, cách sử dụng như thế nào, thưa anh?

Kỹ sư Bạch Ngọc Dương: Mình chỉ cần bấm chuột vào biểu tượng của Skype trên màn hình thì chương trình tự động chạy và sẽ yêu cầu mình đánh tên người sử dụng ‘user name’ và mật mã ‘password’.

Sau khi đánh vào hai ô này thì mình có thể đăng nhập và vào đó để nói chuyện với mọi người. Trong chương trình này có cài đặt sẵn tính năng giúp mình có thể bỏ tên những người bạn của mình vào đấy để mỗi khi đăng nhập vào chương trình Skype mình có thể biết được người bạn của mình hiện đang có online trên mạng hay không.

Nếu có thì hai người có thể nói chuyện với nhau rất dễ dàng, tương tự như chương trình Yahoo Messenger vậy.

Trà Mi: Đó là trao đổi giữa hai người lên mạng gặp nhau trò chuyện. Thế còn đối với chức năng gọi là ‘diễn đàn’ để cùng lên đó trao đổi, thảo luận ý kiến với nhau thì sao?

Kỹ sư Bạch Ngọc Dương: Trong chương trình Skype có một tính năng gọi là ‘Conference’, tức hội thảo hay hội luận. Với tính năng này, một người có thể mở ra, chủ trì một diễn đàn và kéo những người mình đã biết nick vào cùng nói chuyện. Ví dụ như tôi vào trước, bấm vào chữ ‘conference’ trên góc phải để mời từng người bạn vào trao đổi, giống như là tôi gọi điện cho từng người bạn

Bên họ đổ chuông reo và họ bấm vào nút xanh là chúng tôi đồng loạt có thể nói chuyện với nhau. Đối với hội luận trên chương trình Paltalk thì mình phải mở ra một cái room, một diễn đàn trên đó rồi mọi người ai muốn vào cũng được.

Còn Skype khác ở chỗ là phải được mời thì người đó mới có thể vào room để nói chuyện được. Chương trình Skype giống như điện thoại riêng tư giữa vài ba người với nhau. Paltalk thì mang tính chất hội nghị, công cộng hơn.

Trà Mi: Nếu so sánh, giữa Skype với 2 chương trình voice chat kia là Yahoo Messenger và Paltalk thì chúng có những ưu khuyết điểm như thế nào?

Kỹ sư Bạch Ngọc Dương: Thật ra theo tôi tất cả đều sử dụng đơn giản như nhau. Mỗi chương trình có tính năng riêng. Yahoo thì tương đối dễ sử dụng nên rất phổ thông. Paltalk thì rất tiện lợi, dùng để hội luận giữa nhiều người. Một room trên Paltalk có thể nói chuyện được với 300 người. Skype thì tối đa chỉ cho phép nói chuyện hội luận giữa 5 người một lúc mà thôi.

Trà Mi: Nói về tính bảo mật an toàn nhất là đối với những nhà dân chủ khi trao đổi ý kiến online. Để tránh bị công an an ninh theo dõi hay gài đặt người tham gia vào thì giữa Skype với Paltalk thì cái nào an toàn hơn?

Kỹ sư Bạch Ngọc Dương: Mức độ an toàn của Paltalk không bằng Skype. Chỉ những ai biết nick của mình và được mời mới vào được còn tất cả người khác không vào được.

Trà Mi: Tức là không bị an ninh theo dõi, biết được số phone, số máy đăng ký và địa điểm truy cập internet?

Kỹ sư Bạch Ngọc Dương: À không mức độ an toàn ở đây là ngoài người quen, bạn bè, không có người ngoài chen vào nghe và ghi âm lại. Trên các diễn đàn Paltalk, hiện tượng ngồi nghe và ghi âm lại rất phổ biến. Đối với Skype thì không thể làm được điều này.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, khi mình vào quán internet thì hầu hết người ta đã cài đặt những phần mềm theo dõi khách hàng vào trang web nào, sử dụng chương trình gì. Ngoài ra họ còn bố trí mật vụ an ninh ngồi ngay quán net để quan sát theo dõi.

Ở Việt Nam, quyền tự do dân chủ, tự do phát biểu ý kiến, tự do ngôn luận chưa được cởi mở, người dân vẫn bị hạn chế những quyền này. Cho nên tính an toàn ở đây chỉ mang tính chất nội bộ trong chương trình thôi chứ không thể nào gọi là an toàn khi truy cập internet từ một dịch vụ công cộng được.

Trà Mi: Hiện thời tính năng của chương trình Skype đối với việc trao đổi thông tin , bày tỏ ý kiến của giới dân chủ trong nước có hiệu quả lắm không và đã phổ biến chưa?

Kỹ sư Bạch Ngọc Dương: Tôi cũng mới biết chương trình này thôi, nhưng thấy rằng nó rất hiệu quả đấy, nhất là trao đổi những chuyện riêng tư với nhau. Ví dụ như tôi có thể thông báo với bạn bè về việc chuyển chỗ ở qua Skype mà không sợ người thứ ba biết. Chứ còn trao đổi qua điện thoại như thế này thì chắc chắn tôi bị ghi âm và nghe trộm rồi.

Skype rất hiệu quả nhưng chỉ trong giới hạn trao đổi cá nhân, giống như một cuộc điện thoại trao đổi cá nhân đơn thuần thôi. Chương trình này chỉ cho phép trò chuyện tối đa giữa 5 người trong khi Paltalk thì có thể hội luận với hàng trăm người, chỉ có điều một người nói và những người còn lại phải đưa tay chờ đến lượt phát biểu vì mỗi room chỉ có 1 micro thôi. Còn đối với Skype thì 5 người có thể trao đổi qua lại cùng lúc với nhau được.

Trà Mi: Xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2006/10/07/ExploringInternetTelephonySkype_TMi/