Sunday, January 06, 2013

Cõi Ðó Vì Sao Tên Là Cực Lạc?

Cõi Ðó Vì Sao Tên Là Cực Lạc? January 06, 2013 Cõi Ðó Vì Sao Tên Là Cực Lạc? (01/05/2013) Kinh A Di Ðà là một kinh được ghi lại dưới dạng vô vấn tự thuyết, nghĩa là không do ai hỏi, mà Ðức Thích Ca Mâu Ni đã tự thuyết giảng. Một lần, tại vườn Kỳ Thọ, với sự có mặt đầy đủ tăng đoàn 1250 vị tỳ kheo, Ðức Phật đã lấy đối tượng là trưởng lão Xá Lợi Phất để giới thiệu về cõi nước của Phật A Di Ðà. Ðức Phật đã tự nêu câu hỏi, để tự giảng giải như: “Từ đây qua Phương Tây, quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Trong thế giới đó, có Ðức Phật hiệu là A Di Ðà, hiện nay đương nói pháp. Này Xá Lợi Phất, cõi đó vì sao tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc.” Ðó là câu đầu tiên Ðức Phật xác định về cõi Cực Lạc. Suốt những trang kinh kế tiếp là biết bao hình ảnh đẹp đẽ, nhiệm mầu, thanh tịnh của quốc độ Giáo Chủ Tây Phương. Bao nhiêu chi tiết dẫn chứng đó, có phải chỉ tựu trung rằng chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui. Thở vào tĩnh lặng, thở ra an nhiên, rồi dừng tâm ngay nơi lời dạy này của Ðức Thế Tôn thì Cực Lạc không hề ở đâu xa, mà ngay câu kệ thường cất lên mỗi ngày: Chúng sanh vô biên thề nguyện độ Phiền não vô tận thề nguyện đoạn Pháp môn vô tận thề nguyện học Phật Ðạo vô thượng thề nguyện thành Hình ảnh khóa tu Thường Tịch Quang Phổ Chiếu Di Ðà Phật Thất. Chúng ta chỉ cần thực tâm phát nguyện là niềm vui đã lập tức có mặt. Khi thực tâm phát nguyện thì năng lực và tinh tấn không gọi cũng tới. Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện này, đối với những hành giả tu Tịnh Ðộ thì “Pháp môn vô lượng thề nguyện học” chính là pháp môn niệm Phật. Ðại chúng đông đảo về chùa Phật Tổ dự khóa tu Thường Tịch Quang Phổ Chiếu Di Ðà Phật Thất, từ 22/12/2012 tới 29/12/2012, để cúng dường Lễ Vía Ðức Phật A Di Ðà, đều cảm nhận như thế. Ðó là tuần lễ thời tiết trở lạnh bất thường, lại thêm mưa gió, ấy thế mà Phật tử đội mưa về chùa, không ngày nào chánh điện không đầy kín. Khóa tu năm nay được Hòa Thượng trụ trì chứng minh và trao Phật sự cho nhị vị Ðại Ðức Thích Thường Tịnh và Thích Trung Tài hướng dẫn. Hai vị thầy trẻ hội ý nhau, đã đưa ra một thời khóa tuyệt vời. Thoạt nhìn thì … hãi lắm, vì bắt đầu từ 5 giờ sáng tới 9 giờ tối, nhưng nhìn vào nội dung thì mới khỏe làm sao! Này nhé, 4:45 sáng, tiếng kẻng báo thức để 5 giờ đại chúng vân tập trên chánh điện, cùng tịnh tọa trong không gian tinh khôi. Sau 30 phút ngát hương thiền định này, lòng ai mà chẳng nở hoa sen khi cất vang tứ tự “A Di Ðà Phật”. Một ngày mới của hơn một trăm người con thiết tha gọi Ðấng Từ Phụ, là bản hợp tấu hào sảng nhất, trong 30 phút tu Cộng Niệm tiếp nối. Tiếng niệm quyện vào nhau, như sức chảy của dòng sông được tạo thành bằng sự luân lưu của trăm con suối. Những Phật tử vẫn đến tu hai ngày cuối tuần thường xuyên tại chùa Phật Tổ đều biết thế. Nhưng với những Phật tử mới tới gieo duyên thì đã chia sẻ “ Cực kỳ bất ngờ và xúc động khi tiếng niệm Phật đồng loạt cất lên, trầm bổng và thiết tha như âm thanh của ban Ðại Hợp Xướng được điều động hài hòa bằng đôi đũa thần của vị nhạc trưởng tài hoa. Không ngờ chỉ có bốn tiếng A Di Ðà Phật thôi, mà hay đến thế!” Hình ảnh khóa tu Thường Tịch Quang Phổ Chiếu Di Ðà Phật Thất. 7 giờ sáng, tiểu thực tinh khiết và bổ dưỡng được nhà bếp chùa Phật Tổ dọn ra, trên những dãy bàn dài, bên hiên chùa. Trong khóa tu này, để đồng đều công đức, Ban Ẩm Thực đã tự thỏa thuận, phân chia thời gian và trách nhiệm bếp chính, bếp phụ, cùng đông đảo nhóm Bạn Sen tiếp tay xắt gọt. Phật tử về tham dự khóa tu chỉ yên tâm tu thôi, nghĩa là, nguyện ai nấy giữ, việc ai nấy làm. Chính cái không gian trật tự, hòa ái này đã khiến Hòa Thượng trụ trì nảy ý khuyến tu tịnh khẩu. Những bảng hiệu Tịnh Khẩu được phân phối.Lúc đầu, Phật tử gắn lên áo với tâm trạng e dè, vì sợ với thói quen, làm sao tịnh khẩu được suốt khóa tu! Nhưng câu trả lời đã tới ngay, tới một cách vô cùng tự nhiên, như nụ hoa đã kết, gặp ánh mặt trời thì nhẹ nhàng hé nở, hé nở, tới mãn khai. Dưới nắng hồng ấm áp, ai ngăn được nụ hoa đừng nở? Bằng tín, nguyện, hành tròn đầy, ai ngăn được năng lực tinh tấn, an vui? Thế là, khóa tu đông đảo bỗng chốc hóa hiện hình ảnh Kỳ Viên Tự khi xưa, với 1250 vị tỳ-kheo mà vô cùng thanh tịnh. Không gia Phật Tổ Tự, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới chỉ thấy những bước đi nhẹ nhàng, nụ cười ánh mắt thân thương và âm thanh nghe được chỉ là tiếng chuông, tiếng khánh, báo hiệu mỗi khi chuyển thời khóa, như từ niệm Phật tới kinh hành, từ kinh hành tới lễ Phật, từ lễ Phật tới tịnh tọa, v.v… Hình thức hành trì đã thế, nên những giờ tiểu thực, thọ trai, dược thực, được đại chúng thọ nhận trong chánh niệm cao độ. Nhất là giờ thọ trai, sau khi thầy Trung Tài khai Kệ Ngũ Quán, không ít Phật tử đã thổn thức với lời quán thứ năm: “Vì muốn thành tựu đạo nghiệp, nên thọ nhận thức ăn này.” Hình ảnh khóa tu Thường Tịch Quang Phổ Chiếu Di Ðà Phật Thất. Ăn như thế, thì nào phải chỉ đang ăn thực phẩm thế gian, mà còn là đang thọ nhận chén cơm từ quốc độ Phật Hương Tích. Rồi hạnh phúc cứ tới, như những điều tất nhiên phải tới. “…. Ăn cơm xong, đi kinh hành …. Tiếng chim diễn nói pháp mầu, chúng sanh trong cõi đó, nghe tiếng chim xong, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng … Gió nhẹ lung lay các hàng cây báu, vang ra tiếng vi diệu như trăm nghìn thứ nhạc đồng hòa một lúc...” Kinh A Di Ðà diễn tả cõi Tịnh Ðộ như thế. Và đoàn hành giả về dự khóa tu Thường Tịch Quang Phổ Chiếu Di Ðà Phật Thất tại chùa Phật Tổ đều cảm nhận đúng như thế, khi kinh hành quanh khuôn viên chùa, sau mỗi bữa cơm chánh niệm. Trên tất cả ngôn ngữ thế gian, sự thực chứng từ tâm khảm mỗi người mới là sức mạnh vô song, vô giá. Ðiều này được chứng minh cụ thể trong tối thứ bảy 22/12/2012 qua hình thức Ðêm Hoa Ðăng, Tam Bộ Nhất Bái và niệm Phật suốt đêm để kết thành tràng hoa Ưu Ðàm kết thúc khóa tu, cúng dường Chư Phật. Ánh nến nhỏ lung linh trên tay mỗi người đã thắp sáng ngọn đèn tâm, trong câu chuyện ngọn đèn không tắt của bà lão nghèo khổ, nhịn đói, mua dầu thắp đèn cúng Phật, mà thầy Trung Tài đã kể lại bằng giọng trầm ấm, chuyển tới trái tim người nghe vô vàn xúc động! Hình ảnh khóa tu Thường Tịch Quang Phổ Chiếu Di Ðà Phật Thất. Ngọn đèn tâm đã không tắt thì bước đi nào mệt mỏi? Xin hãy theo dõi ba bước lạy một lạy của đoàn hành giả gồm đủ mọi thành phần nam phụ lão ấu. Trời khuya đã lạnh, lại nhiều gió nên trước khi khởi bước, quý thầy đã căn dặn, các vị lớn tuổi hoặc ai không khỏe, nên ngồi lại chánh điện niệm Phật yểm trợ đoàn hành giả Tam Bộ Nhất Bái cũng là quý rồi. Nhưng không một ai ngồi lại chánh điện. Thế là, theo tiếng khánh và bước chân của thầy Thường Tịnh và thầy Trung Tài hướng dẫn, đoàn hành giả cứ ba bước lại năm vóc sát đất, lạy một lạy trên nền sân xi măng buốt lạnh quanh khuôn viên rộng lớn. Không ai bỏ cuộc. Không ai vấp ngã. Không ai cảm lạnh. Năng lực này từ đâu, nếu không là từ Tin Sâu, Nguyện Thiết? Khi lễ lạy trọn vòng thứ hai, có lẽ muốn bảo vệ sức khỏe của những Phật tử lớn tuổi nên thầy Thường Tín quyết định rẽ vào chánh điện để Phật tử phải vào theo. Nhưng đoàn người như con rồng lớn uốn khúc, phần đầu theo thầy vào chánh điện nhưng phần giữa và phần đuôi vẫn còn ở cuối sân kia, nếu quý thầy cô vào hết thì con rồng chưa tới điểm kết này sẽ cô đơn biết bao! Thế là nhị vị hướng dẫn, tiếp tục lễ lạy vòng thứ ba để yểm trợ những hành giả còn chưa dứt vòng hai này. Tất nhiên, một số sư cô bước theo hai thầy để thể hiện tình huynh muội. Hình ảnh khóa tu Thường Tịch Quang Phổ Chiếu Di Ðà Phật Thất. Ðây chỉ là sự đồng cảm, cập nhật với tình huống bất ngờ thôi. Nào hay, đóa hoa dẫu nở trong bóng tối nhưng tỏa hương thơm thì người người vẫn nhận được. Trong buổi chia sẻ cảm tưởng khóa tu, Phật tử Anh Ðào đã quỳ xuống, thổn thức thưa rằng: “Khi Tam Bộ Nhất Bái, chúng con là những người ở cuối vòng hai, tưởng rằng sau chúng con sẽ là bóng tối cho đến điểm kết thúc, nhưng cảm động biết bao khi vẫn nghe tiếng khánh thật gần, quay lại thì thấy các thầy cô đang khởi bước vòng ba để chúng con không cô đơn. Ngay khi đó, con nghĩ tới câu kệ Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ Ðề Quả thật là quý thầy cô đang Ðộ Tận, độ hết, chẳng bỏ một ai, dù có lễ lạy thêm bao nhiêu đi nữa. Những lời kinh kệ, trước đây đối với con còn xa vời, không ngờ đơn giản và ở ngay trước mặt.” Với thời khóa được soạn thảo để cứ mỗi 30 phút lại uyển chuyển hình thức, nên tu từ sáng tới tối mà không ai mệt, không ai bệnh. Một buổi trời mưa, Ban Ẩm Thực có quyết định ngay, là đại chúng cứ an tọa tại chỗ, trên chánh điện, từng khay thức ăn sẽ được truyền tới từng người, từ bên ngoài, vào bên trong. Trật tự và nhịp nhàng đã mang lại kết quả tốt đẹp là “Trời mưa thì trời cứ mưa. Khay cơm Chánh Niệm chẳng chừa một ai!” Lại từ cảnh huống bất ngờ này, nhiều Phật tử đã chia sẻ hạnh phúc vô biên vì liên tưởng tới một đoạn, trong Kinh Vô Lượng Thọ “… Các thứ thọ dụng, thảy đều đầy đủ, như khi muốn ăn, trăm món ăn uống, tự nhiên hiện trước …” Có phải bao thực chứng đơn sơ đang giải bày những gì tưởng quá cao xa, không bao giờ với tới! Vậy nên, chỉ cần chuyển tâm thì không chờ tới dứt thở mới Vãng Sanh Tịnh Ðộ. Ðã tới được Tịnh Ðộ rồi, chúng ta hãy tạ ơn Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu cõi nước Phương Tây, cho chúng ta về tới. Hình ảnh khóa tu Thường Tịch Quang Phổ Chiếu Di Ðà Phật Thất. Ðã tới được Tịnh Ðộ rồi, chúng ta hãy tạ ơn Ðức Từ Phụ A Di Ðà đã phóng quang tiếp dẫn. Ðã tới được Tịnh Ðộ rồi, chúng ta hãy tạ ơn Hòa Thượng trụ trì chùa Phật Tổ và quý Thầy, đã tạo phương tiện cho chúng ta có thiện duyên được chứng nghiệm hạnh phúc. Ðã tới được Tịnh Ðộ rồi, chúng ta hãy cám ơn nhau, vì đã được là bạn đạo của nhau để cùng nâng đỡ, nương tựa nhau trên đường về Cõi Phật. NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT. Huệ Trân (Tào-Khê Tịnh Thất – sau khóa tu Thường Tịch Quang Phổ Chiếu Di Ðà Phật Thất) http://www.tuoitrevhn.com/?act=news&cat=69&sub=69&id=Wjl4N1FUWjc2WlQ3eDlaNlE5eFo=